Sâu hại bệnh trên cây sứ và cách khắc phục
1-CÂY BỊ VÀNG LÁ, CHẠM NHẸ VÀO THÌ LÁ RỤNG
Bệnh này là do nhện đỏ tấn công. Nhện đỏ rất khó phát hiện và rất khó tiêu diệt. Chúng thường xuất hiện ở cây sứ vào thời điểm giao mùa (nắng và mưa); kích thước nhện đỏ rất nhỏ, phải quan xác kỹ mới phát hiện được; ngoài ra chúng hay lẫn phía dưới mặt lá.
Nhện đỏ gây tổn thương cho cây sứ nhiều nhất, chúng sẽ bám vào lá và hút nhựa dẫn đến hiện tượng lá vàng đồng loạt. Vào mùa mưa nếu cây sứ bị rụng lá sẽ dẫn đến thoát nước qua lá giảm, rất dễ gây thối củ.
* CÁCH KHẮC PHỤC:
- Dùng thuốc Alfamite 15EC hoặc Admire 050EC, pha thêm chất bám dính để kéo dài thời gian tác dụng của thuốc. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Lưu ý: phun thật kỹ dưới mặt lá. Phun thêm xung quanh gốc. Nhện đỏ rất dễ lây và lây lan rất nhanh. Vì vậy nên phun tất cả các cây xung quanh, hoặc phun cả vườn nếu có thể. Sau 3 ngày, phun trở lại một lần như vậy để ngừa. Có thể ngừa nhện đỏ bằng cách phun định kỳ 10-15 ngày một lần.
2- CÂY BỊ NHỆN VÀNG TẤN CÔNG
Loại sâu bệnh này rất dễ phát hiện, chúng thường bám vào phần ngọn của các nhánh sứ. Lúc mới phát hiện, có thể dùng cọ để quét sạch. Nếu cây đã bị nhiều, có thể dùng thuốc trừ sâu (Karate 2.5 EC). Hoặc sử dụng diệp lục trừ sâu phun vào sáng sớm hoặc chiều tối. Vài ngày sau khi phun thuốc thì nhện vàng sẽ hóa đen, nên phun thêm một lần nữa để diệt trừ hẳn. Phun định kì 10-15 ngày để phòng ngừa.
3-BỆNH GỈ SẮT TRÊN CÂY SỨ
Bệnh rỉ sắt (gỉ sắt) có tên khoa học: Uromyces appendiculatus.
* Triệu chứng
Mặt dưới của lá xuất hiện những đốm tròn nhỏ màu vàng nhạt, về sau lớn dần, đường kính trung bình 2-3 mm, trên mặt vết bệnh phủ một lớp bột phấn màu vàng da cam, đó là các bào tử nấm bệnh. Dần dần những bào tử này biến mất và để lại trên lá những vết bệnh màu nâu như bị cháy. Trên một lá có nhiều đốm bệnh, một số đốm liên kết nhau tạo thành đốm bệnh lớn. Lá bị biến vàng, rụng hàng loạt, cành khô, cây sinh trưởng kém.
* Tác nhân gây bệnh
Do nấm Uromyces appendiculatus gây ra.
* Quy luật phát sinh phát triển
Bào tử nấm lan truyền trong không khí, trên tàn dư cây bệnh còn sót lại, gặp điều kiện ẩm độ cao nhiệt độ thích hợp (18-210C) bệnh phát triển mạnh.
* Biện pháp phòng trừ:
- Thu dọn tàn dư lá bệnh đem đốt. Làm vệ sinh vườn cây, tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối cho cây cứng, khỏe mạnh. Phun thuốc phòng bằng các loại: Lunasa, Funguran , Score…
- Khi đã bị bệnh có thể sử dụng một trong những lọai thuốc như: Viben C, Bayfidan 25EC hoặc 250EC; Bamper 250EC; Anvil 5SC; Sumi-Eight 12.5 WP...để phun xịt. Sau khi phun xịt thuốc nên tăng cường bón thêm phân và tưới đủ ẩm để cây phục hồi nhanh